Ads 468x60px

11 tháng 4, 2011

Bệnh đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội

Khoảng 10 ngày trở lại đây, đã có hàng nghìn bệnh nhân phải đi khám mắt bởi các triệu chứng cộm, ngứa rát và có dử.... Trong đó, có hơn 500 ca đã được xác định là đau mắt đỏ.

Theo bác sĩ Lê Xuân Cung, Viện mắt Trung ương, bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp là bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan rất nhanh sau mưa ngập do điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn hay nguồn ô nhiễm.

Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cấp phát 1 triệu lọ thuốc nhỏ mắt tới các vùng bị ngập lụt nặng của thành phố, và luôn cảnh báo về những nguy cơ nhiễm bệnh dịch, tuy nhiên những thói quen không giữ vệ sinh đúng cách của một số người dân đã khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh là không tránh khỏi.

Đến Viện mắt Trung ương trong tình trạng mắt đỏ cộm, chảy nước, chị Lai (Thanh Trì) hối hận cho biết, cả gia đình dùng chung khăn mặt nên chỉ trong vòng 2 ngày, cả nhà chị 4 người đều mắc bệnh đau mắt đỏ. Chị là người bị nặng nhất với cặp mắt sưng mọng, bị dử dính vít lại.

"Hàng xóm nhà tôi cũng lác đác có người kêu mắt bị cộm, ngứa", chị Lai cho biết.

Cùng có mặt tại Viện mắt Trung ương chiều nay (17/11), chị Dung ở quận Hoàng Mai thắc mắc, do phải sống trong vùng ngập lụt lâu, nên cả nhà đã rất chăm chỉ nhỏ mắt, vậy mà tại sao chị và cô con gái lớn vẫn bị bệnh.

"Cả nhà tôi dùng chung một lọ Clorocid. Đều đặn 2 lần, sáng và tối, tôi chịu trách nhiệm nhỏ mắt cho tất cả thành viên trong gia đình. Thế mà không hiểu tại sao, tôi và con gái lớn vẫn có triệu chứng viêm kết mạc". Vừa nói, chị Dung vừa bỏ kính ra cho thấy mắt bên trái đã bắt đều có gèn.

Trước những thắc mắt của bệnh nhân, bác sĩ Cung cho biết, đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc tay - mắt. Nếu người bị mắc bệnh lấy tay dụi mắt, rồi bàn tay ấy lại vô tình chạm vào các vật dụng trong nhà, công sở như khăn mặt, điện thoại, máy tính, cốc, chén... sẽ khiến cho những người xung quanh có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

"Bệnh đau mắt đỏ không đáng sợ nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sẽ rất lớn", bác sĩ cảnh báo.

"Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải rất chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt và luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt khô ráo, sạch sẽ" ông Cung khuyến cáo.

Theo VTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét